Phát huy vai trò của Sinh vật Cảnh trong xây dựng Nông thôn mới và Đô thị văn minh

Từ một thú chơi có truyền thống phát triển lâu đời, phát huy những giá trị phong trào Tết Trồng cây do Bác Hồ khởi xướng và phát động, đến nay, Sinh Vật Cảnh đã trở thành một ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao, đóng góp tích cực trong xây dựng Nông thôn mới và Đô thị văn minh.

Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, là điểm du lịch hấp dẫn du khách gần xa, không chỉ đẹp bởi 36 phố phường nhộn nhịp, các điểm vui chơi giải trí thú vị hay văn hóa ẩm thực đặc trưng mà nơi đây còn được biết đến với bề dày lịch sử gắn với truyền thông văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Những làng hoa, cây cảnh, sinh vật cảnh khoe sắc cùng hàng trăm làng nghề truyền thống khắp Thủ đô đã thực sự trở thành một nét đẹp độc đáo của mảnh đất Địa linh nhân kiệt. Sinh vật cảnh có mặt khắp mọi nơi, từ thành thị đến nông thôn, từ không gian rộng lớn của các công trình văn hóa, đến khuôn viên của từng gia đình không còn đơn thuần là thú chơi văn hóa, tinh thần, mà ngày càng khẳng định là một ngành kinh tế sinh thái giá trị cao, góp phần bảo vệ môi trường, kiến tạo cảnh quan sinh thái, thu hút du lịch thúc đẩy công nghiệp văn hóa và ngày càng đóng góp thiết thực trong xây dựng Nông thôn mới và Đô thị văn minh trên địa bàn Thủ đô.

Sinh vật cảnh từ một thú chơi văn hóa lâu đời của ông cha, ngày nay đã trở thành một trong 07 nhóm ngành phát triển nông thôn theo Nghị định số 52/2018/NĐ - CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ; là một trong 06 nhóm sản phẩm nông nghiệp được xét công nhận sản phẩm OCOP theo Quyết định 919/QĐ - TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ; là một trong những sản phẩm làng cần bảo tồn và phát triển gắn với phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng môi trường du lịch văn hóa; tổ chức liên kết chuỗi giá trị, phát triển làng nghề gắn với du lịch, góp phần phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới…theo Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 7/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030".

image001-1945-1724204793.jpg

Sinh Vật Cảnh là ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao, đóng góp tích cực trong xây dựng Nông thôn mới và Đô thị văn minh

Trên những cơ sở đó, ngày 26/10/2022, Bộ nông nghiệp và PTNT đã phê duyệt Đề án phát triển ngành hoa, cây cảnh đến năm 2030 với mục tiêu: Xây dựng ngành hoa, cây cảnh từng bước phát triển bền vững; góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho người sản xuất và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. 2. Mục tiêu cụ thể - Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành hoa, cây cảnh giai đoạn 2022 - 2030 đạt khoảng 6 - 8%/năm. Giá trị sản xuất hoa, cây cảnh năm 2025 đạt khoảng 50 - 55 nghìn tỷ đồng, đến năm 2030 đạt khoảng 70 - 75 nghìn tỷ đồng. - Giá trị xuất khẩu sản phẩm hoa, cây cảnh năm 2025 đạt khoảng 130 - 150 triệu USD; đến năm 2030 đạt khoảng 180 - 200 triệu USD. - Giá trị sản phẩm thu được trên 01 ha đất trồng hoa, cây cảnh đạt bình quân khoảng 700 - 750 triệu đồng/năm. - Phấn đấu đến năm 2030, cả nước có khoảng 130 - 150 làng nghề hoa, cây cảnh được cấp có thẩm quyền công nhận.

Đến hết năm 2023, tổng diện tích trồng hoa, cây cảnh của cả nước ước đạt 51.600ha, giá trị sản xuất và tiêu thụ các loại hoa, cây cảnh của nước ta ước đạt 45.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân/ha canh tác 350 triệu đồng/năm; Xuất khẩu hoa đang tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây. Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hoa của Việt Nam năm 2021 đạt 61,8 triệu USD, tăng 27% so với 2020. Trong đó, hoa hồng có mức tăng trưởng mạnh nhất trên 100%. Tiếp đến là hoa ly, cúc, lan hồ điệp. Xuất khẩu hoa năm 2022 đạt 67 triệu USD, tăng trưởng 6,7%. Kim ngạch xuất khẩu hoa năm 2023  đạt xấp xỉ 80 triệu USD, tăng trưởng 19,4% so với năm 2022.

Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả nước về quy mô và giá trị sinh vật cảnh. đến hết năm 2023, toàn Thành phố có trên 8.100 ha chuyên canh Hoa, Cây cảnh, đạt giá trị sản xuất khoảng 7.000 tỷ đồng. Trong đó 70% diện tích được canh tác tập trung tại các quận, huyện như: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Mê Linh, Đan Phượng, Thường Tín. Nhiều mô hình trồng hoa, cây cảnh ứng dụng tiến bộ mới về giống, quy trình chăm sóc nên năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao. Giá trị sản xuất hoa, cây cảnh ở Hà Nội đạt trung bình 0,5-1,5 tỷ đồng/ha/năm. Hà Nội đã hình thành được 47 vùng sản xuất hoa (tổng diện tích hơn 1.800ha) với quy mô từ 10 - 20ha/vùng tại các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Mê Linh, Đan Phượng, Thường Tín, Gia Lâm…Trong đó, diện tích trồng hoa chất lượng cao chiếm hơn 30% và đang được nhân rộng trong năm nay. Nhiều loại hoa như cúc, ly, lan… đã được xuất khẩu.

Thành phố đã có quyết định công nhận 14 làng nghề về hoa, cây cảnh gồm: Làng nghề sinh vật cảnh thôn Cơ Giáo; Làng nghề sinh vật cảnh thôn Xâm Xuyên; Làng nghề truyền thống hoa cây cảnh Nội Thôn; Làng nghề truyền thống hoa đào Nhật Tân; Làng nghề truyền thống hoa Tây Tựu; Làng nghề hoa Đại Bái; Làng nghề hoa, cây cảnh Hạ Lôi; Làng nghề hoa, cây cảnh Liễu Trì; Làng nghề Quất cảnh Tứ Liên; Làng nghề trồng quất cảnh xã Tàm Xá; Làng nghề cây cảnh hoa giấy thôn Phù Đổng; Làng nghề Trồng hoa Mai trắng Thôn An Hòa; Làng nghề hoa, cây cảnh Tích Giang; Làng nghề trồng Đào, cây cảnh thôn Đông Thái và có 36 sản phẩm hoa, cây cảnh đã được công nhận là sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.

Hà Nội đã ban hành Đề án phát triển sản xuất hoa, cây cảnh từ năm 2012 với mục tiêu mở rộng diện tích canh tác hoa cây cảnh với tốc độ mở rộng 60-80 ha/năm; tập trung phát triển sản xuất các loại hoa có giá trị kinh tế cao (hồng, đào, lily, lan); Phấn đấu tăng trưởng bình quân hàng năm từ 5-10% năng suất và giá trị sản xuất hoa, cây cảnh. Trong Luật Thủ đô năm 2024, sinh vật cảnh có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển Thủ đô “sáng, xanh, sạch, đẹp”, cũng như định hướng phát triển ngành nông nghiệp sinh thái bền vững và đô thị thông minh. Hiện nay, thành phố đang xây dựng Đề án nông nghiệp đô thị, trong đó sinh vật cảnh được xác định là một nhóm ngành hàng quan trọng được ưu tiên phát triển, là giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm tác động của quá trình đô thị hóa nhanh, tăng tỷ lệ diện tích cây xanh bình quân trên đầu người… 

Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” xác định, thành phố sẽ tăng diện tích hoa, cây cảnh từ 8.500ha đến 9.000ha. Mục tiêu của thành phố là quy hoạch bảo tồn, phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các địa phương, trong đó có làng nghề hoa, cây cảnh; tổ chức lại sản xuất, kinh doanh; tăng cường xúc tiến thương mại gắn kết với du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm. 

Hoạt động sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh ngày càng có vị trí quan trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cây xanh không chỉ là điểm nhấn trong mỹ quan đô thị mà còn có tác dụng thanh lọc không khí, giảm bụi và nhiệt độ, đồng thời giữ ẩm cho môi trường. Việc tăng cường cây xanh tại các khu dân cư, công viên, hay ven đường góp phần tạo nên không gian sống trong lành hơn cho người dân. Sinh vật cảnh không chỉ dừng lại ở việc cải thiện môi trường mà còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân thông qua các hoạt động trồng trọt, kinh doanh cây cảnh, dịch vụ chăm sóc cây xanh, và tham gia vào các dự án phát triển cảnh quan. Phát triển ngành sinh vật cảnh sẽ giúp tăng trưởng kinh tế địa phương và nâng cao thu nhập cho người dân.

Tổ chức không gian đô thị ở Hà Nội không chỉ mang tính thẩm mỹ mà còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa đặc sắc. Việc phát triển ngành sinh vật cảnh sẽ góp phần bảo tồn những cảnh quan truyền thống, mảng xanh thực vật, các khu di tích lịch sử, và kiến tạo những không gian xanh.

Xây dựng nông thôn mới tại Hà Nội đã đặt ra yêu cầu cao về cải thiện chất lượng sống cho người dân. Mục tiêu của chương trình là xây dựng một môi trường sống an toàn và thân thiện với thiên nhiên. Ngành sinh vật cảnh bằng cách cải thiện và quy hoạch cây xanh, có thể tạo ra những môi trường thoáng đãng, trong lành, thúc đẩy sự phát triển bền vững đồng thời bảo tồn hệ sinh thái bản địa. Các hoạt động sinh vật cảnh còn khuyến khích sự tham gia tích cực của cộng đồng trong việc gìn giữ và phát triển cảnh quan nông thôn. Người dân được khuyến khích tham gia trồng cây, chăm sóc vườn hoa, cùng nhau xây dựng và bảo vệ những khu vực xanh của địa phương. Không gian xanh là nơi lý tưởng để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, giúp tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng. Điều này không chỉ nâng cao đời sống tinh thần của người dân mà còn tạo ra những giá trị văn hóa, giáo dục sâu sắc.

Hà Nội đang trải qua quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, với sự gia tăng dân số và phương tiện giao thông. Tình trạng ô nhiễm không khí, thiếu không gian xanh đang là thách thức lớn. Ngành sinh vật cảnh cần thiết phải có một quy hoạch tổng thể cho các khu vực công cộng, nơi mà cây xanh, hoa lá có thể được bố trí hợp lý để tạo ra khu vực thư giãn cho người dân.

Việc phát triển công nghệ trong ngành sinh vật cảnh góp phần tăng cường hiệu quả công tác chăm sóc cây xanh, giảm thiểu chi phí và thời gian lao động. Các ứng dụng như tưới cây tự động, sử dụng các loại cây chịu hạn và dễ chăm sóc sẽ là yếu tố then chốt trong việc quản lý không gian xanh đô thị. Sinh vật cảnh có thể góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của bảo vệ môi trường thông qua các chương trình giáo dục và hoạt động cộng đồng. Sự tham gia của người dân không chỉ giúp tạo ra diện mạo xanh đẹp mà còn hình thành hình ảnh một Hà Nội thân thiện với môi trường.

Với sự phát triển mạnh mẽ của đô thị, không gian dành cho sinh vật cảnh ngày càng bị thu hẹp. Do đó, cần có quy hoạch chi tiết cho việc phát triển cây xanh ở các đô thị mới, cũng như tôn trọng và bảo tồn các khu cây xanh hiện hữu. Cần tăng cường công tác tuyên truyền và giáo dục để nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của cây xanh và những lợi ích mà nó mang lại.

Sinh vật cảnh đóng một vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh tại Hà Nội. Từ việc cải thiện môi trường sống, thúc đẩy phát triển kinh tế, đến việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Để đạt được những mục tiêu đề ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, cộng đồng và các tổ chức xã hội trong việc quy hoạch, quản lý và phát triển không gian xanh. Việc đầu tư cho ngành sinh vật cảnh không chỉ tạo ra một Hà Nội xanh - sạch - đẹp, mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần xây dựng một thành phố văn minh và phát triển bền vững.

Hội Sinh Vật Cảnh thành phố Hà Nội được UBND thành phố Hà Nội cho phép thành lập theo Quyết định 1218/QĐ - UB ngày 8/7/1991 trên cơ sở chuyển đổi mô hình hoạt động của CLB Sinh Vật Cảnh Hà Nội được các vị tiền bối thành lập những năm 60 của Thế kỷ XX để phát huy những giá trị và ý nghĩa thiết thực từ Phong trào Tết Trồng cây do Bác Hồ khởi xướng và phát động. Đến nay, Hội Sinh Vật Cảnh Hà Nội có 11.000 hội, 50 chi hội chuyên ngành trực thuộc. Thú chơi Sinh Vật Cảnh Hà Nội được kế thừa và vận động phát triển qua các giai đoạn: Từ truyền thống văn hóa ngàn năm của dân tộc, đến phong trào trồng cây do Bác Hồ phát động những năm 60 của thế kỷ XX; Giai đoạn đổi mới hội nhập hiện nay. Đặc biệt, sau 10 năm xây dựng nông thôn mới (2010 - 2020), bộ mặt nông thôn Hà Nội đã đổi thay rõ rệt, nhiều vùng quê trở thành điểm du lịch trải nghiệm, thưởng ngoạn hấp dẫn. Để thúc đẩy kinh tế nông thôn, Hà Nội có nhiều chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp; trong đó, hoa, cây cảnh là một sản phẩm nông nghiệp tiềm năng của thành phố…Hoạt động xây dựng tổ chức Hội và phong trào sinh vật cảnh Thủ đô ngày càng hiệu quả, thực chất gắn với nhiệm vụ kinh tế - xã hội của Thủ đô. Tới đây, Hội Sinh Vật Cảnh thành phố Hà Nội tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2024 - 2029 với mục tiêu: Kiện toàn tổ chức - Đổi mới nội dung phương thức hoạt động - Nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực - Đẩy mạnh phát triển sinh vật cảnh thành ngành kinh tế sinh thái giá trị cao đóng góp thiết thực trong phong trào xây dựng Nông thôn mới và đô thị văn minh.

Trong những năm qua, sinh vật cảnh đã được rất nhiều thành tựu đáng tự hào, tuy nhiên, sự phát triển đó chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế phát triển của một trong những  ngành nghề có truyền thống phát triển lâu đời nhất của Thủ đô, có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi; là trung tâm của khoa học công nghệ, giao lưu thúc đẩy hội nhập quốc tế, với quy mô dân số 10 triệu dân, hiện tại Hà Nội mới đáp ứng được khoảng trên 60% nhu cầu tiêu thụ sinh vật cảnh.  

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, Hà Nội phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất Sinh Vật Cảnh giai đoạn 2022 - 2030 đạt khoảng 10%/năm. Giá trị sản xuất hoa, cây cảnh năm 2025 đạt khoảng 10.000 tỷ đồng, đến năm 2030 đạt khoảng 15.000 - 20.000 tỷ đồng; giá trị sản phẩm thu được trên 01 ha đất trồng hoa, cây cảnh đạt bình quân khoảng 700 - 750 triệu đồng/năm; Từng bước phát triển bền vững, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho người sản xuất và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân Thủ đô. Để đạt được mục tiêu đó, trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp:

Về khoa học công nghệ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu chọn tạo, nhập nội những giống Sinh Vật Vảnh có tính trạng mới đáp ứng nhu cầu ngày càng cao giá trị về vẻ đẹp, về văn hóa và mục đích sử dụng của khách hàng trong và ngoài nước. Đặc biệt, đối với những giống hoa, cây cảnh đủ điều kiện cần công bố lưu hành và bảo hộ bản quyền, đáp ứng điều kiện sản xuất, kinh doanh. Nghiên cứu, hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất hoa, cây cảnh từ khâu nhân giống, trồng, chăm sóc, tạo tán, thu hái, sơ chế, bảo quản sản phẩm; khuyến khích ứng dụng quy trình canh tác bền vững: hạn chế sử dụng hóa chất vô cơ; tăng cường sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ, vi sinh.Tiếp tục lưu giữ, bổ sung nguồn gen mới về Sinh Vật Cảnh góp phần làm phong phú nguồn sản phẩm hàng hóa và nguồn vật liệu di truyền phục vụ nghiên cứu chọn, tạo giống. Ưu tiên chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ mới, công nghệ số trong quản trị, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm Sinh Vật Cảnh. Rà soát, bổ sung, điều chỉnh các tiêu chuẩn, quy chuẩn về hoa, cây cảnh và các loại Sinh Vật Cảnh phổ biến khác.

Về thị trường tiêu thụ, nghiên cứu văn hóa sử dụng Sinh Vật Cảnh trong các gia đình; thị trường tiêu thụ Sinh Vật Cảnh trong nước thường ngày và trong các dịp lễ hội, các sự kiện, nhất là nhu cầu sử dụng hoa, cây cảnh trong công sở, trên đường phố, khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp. Đa dạng hóa sản phẩm hoa, cây cảnh phục vụ các đối tượng; chú trọng đầu tư bao bì, nhãn mác, nguồn gốc sản phẩm. Tổ chức các hội thi, lễ hội, triển lãm chuyên đề về hoa, cây cảnh để giới thiệu, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm hoa, cây cảnh, Sinh Vật Cảnh của Thủ đô. Đối với thị trường xuất khẩu,cần rà soát, bổ sung tự công bố lưu hành và bảo hộ bản quyền giống Sinh Vật Cảnh. Nghiên cứu văn hóa, thị hiếu sử dụng hoa, cây cảnh, Sinh Vật Cảnh một số thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,…; khuyến khích doanh nghiệp liên kết với Hợp tác xã, Tổ hợp tác và hộ gia đình tổ chức sản xuất Sinh Vật Cảnh hướng tới mục tiêu xuất khẩu; thực hiện các giải pháp tháo gỡ rào cản thương mại đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm hoa, cây cảnh và các sản phẩm Sinh Vật Cảnh mà Hà Nội có thế mạnh.

Về tổ chức sản xuất, Hà Nội cần định hướng phát triển hoa, cây cảnh, Sinh Vật Cảnh trở thành sản phẩm nông nghiệp mũi nhọn trong quá trình cấu trúc lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; tạo điều kiện thuận lợi tối đa theo quy định của pháp luật để các doanh nghiệp thành lập và hoạt động sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh. Doanh nghiệp/Hợp tác xã sẽ là động lực chính phát triển thị trường và liên kết với người sản xuất tiêu thụ sản phẩm hoa, cây cảnh. Xây dựng chuỗi sản xuất hoa, cây cảnh trong đó doanh nghiệp là trọng tâm liên kết với các hộ gia đình thông qua Hợp tác xã, Tổ hợp tác xây dựng vùng trồng, tổ chức sản xuất, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, tạo bứt phá phát triển Sinh Vật Cảnh, hướng tới  phát triển toàn diện, bền vững, gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.

Về nguồn vốn đầu tư, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư phát triển ngành Sinh Vật Cảnh theo hướng xã hội hóa, chủ yếu là vốn của doanh nghiệp và người dân. Các hộ gia đình đầu tư phát triển sản xuất hoa, cây cảnh để hình thành vùng sản xuất. Hợp tác xã, Tổ hợp tác liên kết với các hộ gia đình và doanh nghiệp đầu tư nhà sơ chế, kho bảo quản sản phẩm hoa, cây cảnh. Doanh nghiệp đầu tư xây dựng thương hiệu; hệ thống bảo quản, tiêu thụ sản phẩm hoa, cây cảnh. Ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển Sinh Vật Cảnh thông qua lồng ghép các Chương trình, Đề án theo quy định của pháp luật để thực hiện các nhiệm vụ: Xây dựng cơ chế, chính sách; nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực; đầu tư cơ sở hạ tầng về giao thông, thủy lợi, chợ đầu mối, sàn giao dịch; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường,…

Thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển ngành Công nghiệp văn hóa Thủ đô đến năm 2030, trong thời gian vừa qua, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đặc biệt quan tâm phát triển nền nông nghiệp Thủ đô sinh thái, hiện đại, đáng sống phát huy được những thế mạnh của miền đất trăm nghề, nơi tinh hoa hội tụ, thủ đô ngàn năm văn hiến; Thúc đẩy sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc hữu gắn với những giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của từng địa phương để nâng cao giá trị gia tăng, cải thiện năng lực cạnh tranh cho nông sản Thủ đô và cả nước; Thu hút du lịch, quảng bá thương hiệu gắn với phát triển làng nghề góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và lao động nông thôn…

Vừa qua, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đã tổ chức thành Lễ hội hoa đào, quất cảnh 2024, Lễ hội sen Hà Nội 2024 gắn với việc khái thác những tinh hoa văn hóa kết tinh trong các sản phẩm làng nghề, đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP để nâng cao giá trị nông sản, thúc đẩy phát triển du lịch và các mô hình nông nghiệp sinh thái đặc trưng của Thủ đô Hà Nội trong mục tiêu, định hướng phát triển Nông thôn mới và Đô thị văn minh.

Festival Sinh Vật Cảnh năm 2024 Hà Nội mở rộng với sự tham gia của các tỉnh/thành trong cả nước là hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), và 65 năm Bác Hồ phát động Tết Trồng cây (28/11/1959 - 28/11/2024; là cơ hội thúc đẩy kết nối giao thương, mở rộng thị trường phát triển sinh vật cảnh Thủ đô với cả nước, thị trường sinh vật cảnh trong nước với khu vực và thế giới; tôn vinh những sáng tạo của giới nghệ nhân, thợ giỏi, doanh nhân và các chủ thể trong lĩnh vực sinh vật cảnh; khẳng định vị thế của một trong 07 nhóm ngành phát triển nông thôn. Festival được diễn ra từ ngày 30/08 - 18/09/2024 tại Khu trường đua F1 (Phú Đô, Mỹ Đình, Hà Nội).

Đến nay đã có trên 500 chủ thể của 52 tỉnh/thành phố đăng ký trên 20.000 tác phẩm Sinh Vật Cảnh thuộc 05 bộ môn (Cây cảnh nghệ thuật, Đá cảnh, Gỗ lũa, Hoa lan, Chim cảnh) có quy mô lên tới 20.000 m2 với các phân khu và một số hoạt động chính như:

- Tổ chức Hội thi chọn ra những tác phẩm Sinh Vât Cảnh Việt Nam tiêu biểu năm 2024 với các bộ môn: Cây cảnh nghệ thuật, Hoa lan, Chim cảnh, Đá cảnh, Gỗ lũa;

- Khu trưng bày tôn vinh 70 tác phẩm cây cảnh nghệ thuật đặc sắc tượng trưng cho 70 năm Giải phóng Thủ đô;

- Khu trưng bày tôn vinh 1014 tác phẩm cây cảnh nghệ thuật tượng trưng cho 1014 năm Thăng Long - Hà Nội;

- Khu trưng bày Đá cảnh đá phong thủy Việt Nam;

- Khu trưng bày “Sắc Hương Lan Việt”;

- Khu trưng bày giới thiệu gỗ lũa nghệ thuật, đồ cổ, tranh tượng dân gian;

- Khu giao lưu Sinh Vật Cảnh ba miền;

- Khu trải nghiệm "Hà Nội 12 mùa hoa";

- Khu trình diễn “Sắc màu Chim cảnh";

- Không gian Trà đạo, Tre Việt và âm nhạc truyền thống;

- Khu trình diễn tạo tác nghệ thuật Sinh Vật Cảnh;

- Khu giới thiệu sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền;

- Khu vui chơi giải trí, nghệ thuật ánh sáng, tạo hình hoa, tiểu cảnh nghệ thuật;

- Khu tổ chức sự kiện văn hóa nghệ thuật;

- Khu giới thiệu bộ sưu tập Cây cảnh nghệ thuật, đồ cổ đặc biệt;

- Khu giới thiệu những tác phẩm đấu giá;

- Khu văn hóa ẩm thực.

Festival Sinh Vật Cảnh năm 2024 là cơ hội để tìm kiếm những giải pháp phát triển Sinh Vật Cảnh góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, từng bước hiện thực hóa những mục tiêu của phong trào Tết Trồng cây do Bác Hồ phát động năm xưa trong bối cảnh xây dựng Nông thôn mới và Đô thị văn minh hiện nay.

Link nội dung: https://anhsangcuocsong.vn/phat-huy-vai-tro-cua-sinh-vat-canh-trong-xay-dung-nong-thon-moi-va-do-thi-van-minh-44.html