Giải pháp phát triển sản phẩm OCOP Lâm Đồng trong xu thế hội nhập quốc tế

Cần phải làm gì và làm như thế nào để có những giải pháp cốt lõi nhằm tác động đồng bộ và hiệu quả để phát huy sản phẩm OCOP, chủ động tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Lâm Đồng là một trong địa phương có diện tích lớn, với 9.764,8km²; chiếm khoảng 2,9% diện tích cả nước (đứng thứ bảy); có tính đặc thù về địa hình và khí hậu thời tiết; đa thành phần dân tộc (47 dân tộc) và sự hội tụ tất cả dân cư mọi miền của 62 tỉnh, thành trong cả nước và sở hữu nhiều di sản UNESCO

Trong những năm qua, tỉnh Lâm Đồng ban hành nhiều chính sách phát triển sản phẩm OCOP, cộng với tinh thần lao động sáng tạo của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, do đó Lâm Đồng rất nhiều lợi thế so sánh phát triển sản phẩm OCOP. Tuy nhiên trước yêu cầu biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan và sự cạnh tranh chuỗi giá trị nông sản toàn cầu hết sức khốc liệt, nhiều diễn biến thế giới và trong nước có tác động rất lớn đến phát triển sản phẩm OCOP.

Thực tế đặt ra nhiều vấn đề mới; vừa cơ hội vừa thách thức cho các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và bà con nông dân cũng cần có tư duy sản xuất thích ứng mới. Câu hỏi đặt ra các bên liên quan cần phải làm gì và làm như thế nào để có những giải pháp cốt lõi nhằm tác động đồng bộ và hiệu quả để phát huy đồng bộ sản phẩm OCOP nhằm chủ động tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Sản phẩm đông trùng hạ thảo ở Đà Lạt. Ảnh: Minh Hậu.

Thực hiện Quyết định số 2301/QĐ-UBND ngày 12/11/2018 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2018 - 2020, trong những năm qua chương trình OCOP tỉnh Lâm Đồng đã nhận được sự quan tâm lớn từ phía chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong tỉnh. Qua nghiên cứu thực tế cho thấy chương trình OCOP của tỉnh Lâm Đồng đến nay đã đạt những kết quả nổi bật đó là:

Tạo động lực phát triển kinh tế xã hội của địa phương: Tỉnh Lâm Đồng đã kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách để thực hiện Chương trình OCOP rất sát thực tiễn; qua đó góp phần thực hiện hiệu quả chương trình; các sản phẩm được chứng nhận, không ngừng cải tiến mẫu mã, từ đó thu nhập của doanh nghiệp, hộ dân đã được tăng lên. Thông qua chương trình OCOP góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương; nhiều sản phẩm OCOP từng bước tham gia thị trường ngoài nước;

Khai thác giá trị kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp đa chức năng, nông nghiệp đa giá trị. Đến 30/5/2024 sản phẩm OCOP của tỉnh tăng nhanh về số lượng và chất lượng với 407 sản phẩm, xếp thứ 15/63 trong cả nước; nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tạo sản phẩm OCOP độc đáo kết hợp du lịch canh nông, du lịch cộng đồng, thu hút một lượng du khách rất lớn để khai thác tối ưu tiềm năng kinh tế nông nghiệp, tạo nông nghiệp đa chức năng, đa giá trị cao hơn so với sản xuất nông nghiệp thuần túy;

Góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống: Thông qua chương trình có sự kết hợp hài hòa sản phẩm OCOP với bản sắc văn hóa các dân tộc của địa phương như rượu cần, ẩm thực, vật dụng gia đình, dược liệu, đồ trang sức, thổ cẩm… Phát triển thương mại điện tử nằm trong nhóm khá toàn quốc; đã góp phần cho ngành nông nghiệp bắt kịp yêu cầu chuyển đổi số trong nền kinh tế; đa dạng hóa phương thức tiêu thụ nông sản.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan và ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tham quan mô hình ớt cao sản hữu cơ.

Đến nay có 2 sản phẩm đã được 5 sao, 7 sản phẩm đã trình Bộ NN-PTNT xem xét đánh giá phân hạng 5 sao; 87 sản phẩm 4 sao, 311 sản phẩm 3 sao.Trong 407 sản phẩm: có 352 sản phẩm còn hạn giấy chứng nhận; 53 sản phẩm giấy chứng nhận đã hết thời hạn 36 tháng. Có 221 chủ thể tham gia chương trình. Cơ cấu chủ thể có sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP như sau: Chủ thể là hợp tác xã: 38; chủ thể là doanh nghiệp: 104; chủ thể là cơ sở, hộ cá thể, trang trại: 67; chủ thể là tổ hợp tác: 12.

Việc nghiên cứu nhóm sản phẩm có ý nghĩa rất lớn trong chiến lược thị trường. Đến nay toàn tỉnh có 352 sản phẩm còn hạn giấy chứng nhận, phân theo nhóm sản phẩm, trong đó: Rau: 27/352 sản phẩm, chiếm 7,6%; dược liệu: 45/352 sản phẩm chiếm 12,8%; làng nghề, quà tặng: 4/352 chiếm 1,1%; chè (trà), cà phê: 81/352 sản phẩm chiếm 23%; các loại củ, quả, hạt tươi, chế biến…: 195/352 sản phẩm chiếm 55,5%. Dự kiến đến cuối năm 2024 Lâm Đồng có 400 sản phẩm OCOP còn hạn giấy chứng nhận (công nhận mới 48 sản phẩm). Trong đó: 6 sản phẩm 5 sao; 75 sản phẩm 4 sao, 319 sản phẩm 3 sao.

Song song với những kết quả nêu trên, quá trình phát triển sản phẩm OCOP còn những hạn chế nhất định: các chủ thể từng bước tiếp cận thương mại điện tử, nhiều trang thương mại điện tử của tỉnh được xây dựng, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm từ đó kết nối với các đối tác tiêu thụ một cách nhanh nhất, nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử đã có sự tham gia của nông sản Lâm Đồng như: Shopee, Lazade, Propii, TikTok… Tuy vậy, tỷ lệ nông sản nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng được tiêu thụ qua phương thức này còn thấp.

Cà phê Bourbon - Nữ hoàng cà phê luôn được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng.

Là địa phương có thế mạnh về dược liệu và du lịch phát triển mạnh, số lượng du khách hàng năm 8 - 9 triệu lượt, tuy nhiên sản phẩm OCOP về dược liệu và quà tặng chiếm tỷ trọng quá thấp, do đó chưa khai thác thị trường tiềm năng này, tương ứng: 12,8% và 1,1%.

Quá trình chứng nhận đủ điều kiện, song có 2 sản phẩm ngừng kinh doanh, chủ thể không tiến hành đánh giá phân hạng lại hoặc nâng hạng sao, điều này thể hiện sự nhận thức của chủ thể với chiến lược sản phẩm. Các chủ thể chưa đầu tư nhiều về quảng bá sản phẩm, do đó nhu cầu và khả năng tiếp cận của người tiêu dùng vẫn còn hạn chế đối với các sản phẩm OCOP Lâm Đồng.

Dự báo sản phẩm OCOP hiện tại và tương lai bị tác động rất lớn thế giới và trong nước. Cụ thể: 

- Đối với thế giới:

  • Chiến tranh cục bộ giữa Nga với Ukraine, xung đột giữa Israel – Hamas;
  • Chiến tranh thương mại và khủng hoảng hàng hải trên Biển Đỏ, làm cho chi phí vận tải hàng hóa cao;
  • An ninh lương thực và tỷ lệ đói nghèo gia tăng cao;
  • Cạnh tranh rất khốc liệt về khoa học công nghệ;
  • Biến đổi khí hậu toàn cầu, làm thay đổi rất lớn chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu.

- Còn ở trong nước:

  • Mất cân bằng sản xuất một số nông sản với thị trường do mở rộng diện tích quá nhanh (cây ăn quả, thủy sản, cây công nghiệp ngắn ngày);
  • Biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, đặc biệt là vùng: Tây Bắc, Tây Nguyên, Duyên hải Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long;
  • Tăng trưởng kinh tế chậm so với mục tiêu phát triển;
  • Nhiều vùng kinh tế thiếu đất sản xuất nông nghiệp;
  • Sản phẩm OCOP 5 sao chiếm tỷ lệ thấp so tổng sản phẩm OCOP.

Như đã phân tích nêu trên, Lâm Đồng có nhiều tiềm năng, đồng thời đã có một số thành tựu trong việc phát triển sản phẩm OCOP từng bước tham gia thị trường quốc tế. Song trước yêu cầu mới tình hình thế giới và trong nước; nhằm đạt được kết quả tốt hơn trong tương lai để chương trình OCOP tỉnh Lâm Đồng đạt được sự thành công và bền vững, cần thực hiện đồng bộ các biện pháp từ thể chế đến tổ chức sản xuất nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, và xây dựng chiến lược tiếp thị hiệu quả và phát triển bền vững tương xứng với tiềm năng, cần thực hiện tốt những nội dung cơ bản sau đây:

1. Chú trọng xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm:

Cần xác định để chứng nhận sản phẩm là việc làm khó, song phát triển sản phẩm bền vững càng khó hơn, do đó trong thời gian tới các chủ thể cần tiếp tục thúc đẩy xây dựng thương hiệu và hoạt động quảng bá cho các sản phẩm OCOP của tỉnh Lâm Đồng.

Sản phẩm bơ 034 của Lâm Đồng.

Việc tạo dựng thương hiệu độc đáo và uy tín sẽ giúp tăng cường giá trị thương mại và thu hút sự quan tâm của thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước; đầu tư nghiên cứu và phát triển sản phẩm OCOP dược liệu, làng nghề và quà tặng để nâng cao tỷ trọng xuất khẩu.

2. Xác định chất lượng sản phẩm là yếu tố sống còn đối với sản phẩm OCOP:

Chất lượng sản phẩm OCOP là yếu tố quyết định đến sự thành công của chủ thể. Do đó các chủ thể cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định kỹ thuật, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Chú trọng tiên phong sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và hàm lượng sáng tạo trong sản phẩm cao.

 3. Xây dựng hệ thống thương mại và kênh phân phối:

Trong thời gian tới các cơ quan chức năng cần rà soát cung cầu sản phẩm OCOP của địa phương, từ đó xây dựng hệ thống thương mại và phân phối hiệu quả, từ việc kết nối sản phẩm OCOP với các hệ thống siêu thị, chợ truyền thống đến xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Thực hiện mạnh mẽ hơn nữa chuyển đổi số trong sản xuất và thương mại điện tử trong tiêu thụ sản phẩm. Phát huy tối đa thương mại điện tử, giúp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm và tiếp cận thị trường rộng lớn toàn cầu.

 4. Tăng cường dự báo thị trường trên cơ sở khoa học:

Tăng cường khả năng dự báo thị trường làm cơ sở định hướng sản phẩm OCOP phục vụ thị trường xuất khẩu theo cam kết các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

5. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực:

Sản phẩm hồng sấy gió của Đà Lạt đạt chứng nhận OCOP từ 3-4 sao. Ảnh: Minh Hậu.

Cần tiến hành đồng bộ công tác đào tạo nguồn nhân lực các cấp, các ngành và các chủ thể OCOP. Tiến hành rà soát, xác định thực trạng nguồn nhân lực từ đó tiếp tục làm tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng cao đồng bộ các lĩnh vực có lợi thế của địa phương, bao gồm cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp, cán bộ khoa học và chủ thể để chủ động trong quá trình tiếp cận kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn đối với sản phẩm OCOP.

6. Hỗ trợ thế hệ trẻ và khuyến khích đổi mới sáng tạo:

Sản phẩm rau OCOP phục vụ du khách.

Các sở, ngành tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất và cộng đồng để phát triển sản phẩm OCOP. Đặc biệt, chúng ta nên khuyến khích và hỗ trợ thế hệ trẻ tham gia vào quá trình sản xuất và kinh doanh các sản phẩm OCOP, từ đó thúc đẩy đổi mới sáng tạo và sự phát triển bền vững, có giải pháp đồng bộ, tạo điều kiện tốt nhất để chủ thể OCOP là thế hệ trẻ. Chú trọng việc thẩm định và chứng nhận các điểm du lịch, đặc biệt các điểm du lịch có quảng bá và cung ứng sản phẩm OCOP phục vụ du khách trong và ngoài nước.

Với lợi thế tiềm năng của tỉnh Lâm Đồng với tầm nhìn dài hạn, trong thời gian tới các sở ngành, địa phương và các chủ thể cần nghiên cứu thực hiện nghiêm túc Quyết định số 1765/QĐ-UBND ngày 30/9/2022 về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2025. Tất cả các bên liên quan cùng nhau hợp tác để xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm OCOP chất lượng, độc đáo, sáng tạo nhằm sản phẩm OCOP có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế.