Những người con nuôi của Bác Hồ

Sinh thời Bác Hồ luôn luôn dành sự quan tâm và tình cảm yêu thương nhất cho các cháu thiếu nhi trong nước và nước ngoài, bởi đó là những chủ nhân tương lai của nước nhà và nhân loại.

Tình cảm và sự quan tâm của Bác dành cho thiếu nhi nước ta và quốc tế thể hiện trên nhiều khía cạnh khác nhau, trong đó có cả tình cảm mà Bác dành cho những đứa con đỡ đầu của Người.

Bác Hồ nổi tiếng là người yêu trẻ, chỉ tính riêng ở nước ngoài Bác đã có 3 đứa con nuôi, ở 3 nước khác nhau: Pháp, Đức, Nga.

Chuyện kể rằng, cuối tháng 5 năm 1946, với tư cách là thượng khách của Chính phủ Cộng hoà Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm chính thức nước Pháp. Tại đây, Người đi thăm những di tích, danh lam thắng cảnh  của Pháp, một đất nước có nền văn hoá lâu đời. Người đã tiếp xúc, gặp gỡ các nhà lãnh đạo Pháp. Người cũng nói chuyên thân mật với tầng lớp văn nghệ sỹ, các nhà khoa học và bà con Việt kiều từ khắp nơi nước Pháp.

78c-01-lon-1682406900.jpeg

Ngày 27 tháng 7 năm 1946, Việt kiều ở Pháp tổ chức buổi chiêu đãi chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại vườn Hồng, Batagen, trong lâu đài D’Artois, nằm ven cánh rừng Bologne. Ông Raymond Aubrac, cựu Uỷ viên Cộng hoà ở Marseille, Nghị sỹ Quốc hội Pháp được mời tới dự buổi chiêu đãi. Tại buổi chiêu đãi, ông được giới thiệu với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong lúc trò chuyện với ông Raymond Aubrac, Chủ tịch Hồ Chí Minh cảm ơn ông về những việc ông đã làm cho nhân dân Việt Nam hai năm trước ở Marseille. Ông Raymond Aubrac ngỏ ý mi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm gia đình mình. Bác Hồ vui vẻ nhận lời và nói:

- Tôi sẽ rất sung sướng, nếu được đến vườn của ông, ông bạn thân mến ạ ! Vậy tuần sau, vào giờ uống trà buổi chiều, tôi đến thăm gia đình được chứ?

Đúng hẹn, Bác Hồ đến thăm căn nhà và khu vườn của gia đình ông Raymond Aubrac (ở nhà số 90, đường Soisy Sous Montmorency, quận Seine et Oire , cách thủ đô Paris 10 km). Chủ tịch Hồ Chí Minh cảm thấy chuyến thăm rất thú vị.

Nhận lời mời chân thành của ông bà Raymond Aubrac, ngày, 28 tháng 7 năm1946, Người chuyển về đây ở. Ông bà Aubrac là những người có cảm tình với chủ nghĩ Cộng sản và rất kiên cường trong cuộc đấu tranh chống chủ phát xít.

Ngày 15 tháng 8 năm 1946, bà Lucy vợ ông Aubrac sinh bé gái tại bệnh viện Bôdơlốc, ở đại lộ Port Royal, quân 5, Paris, bé gái đặt tên là Elizabeth. Bác Hồ đến bệnh viện thăm, tặng quà và nhận bé Elizabeth làm con đỡ đầu. Người gọi Elizabeth theo kiểu gọi thân mật trong gia đình là Babette. Gia đình ông Aubrac rất sung sướng và vô cùng hạnh phúc.

Sau này, hàng năm đến ngày sinh nhật của con gái, Người thường gửi thư và quà tới ông bà Aubrac con đỡ đầu của mình.

Quà Bác gửi tặng khá khiêm tốn, nhưng rất có ý nghĩa là một quả cầu nhỏ hay con trâu bằng ngà voi, có khi là một bức ảnh chân dung của Người, với những lời nhắn gửi tình cảm và chữ ký của Người, hoặc một đồng tiền vàng có mang hình của Bác Đặc biệt năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng một tấm lụa để may áo cưới khi con gái nuôi lập gia đình .Tấm lụa đến giờ vẫn giữ nguyên màu trắng ngà, mềm mại, bên trong kẹp một mẫu giấy nhỏ viết: “lụa Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội”.

Babette, hiện là giáo viên có 3 người con. Những món quà Bác Hồ tặng, Babette vẫn giữ gìn như những kỷ vật. Babette nói với chồng và các con: “Chúng ta đang sống lại một kỷ niệm đẹp đẽ nhất trong đời, mà Bác Hồ đã dành cho chúng ta”.

Từ thuở ấu thơ chưa biết gì, đã được Bác Hồ bế bồng, nhưng lớn lên chưa một lần gặp Bác khi Người chưa “đi xa”, nhưng trong suy nghĩ, tình cảm của bà Elizabeth Helfer Aubrac, vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam luôn là một người thân thiết trong gia đình. Bà Elizabeth nhớ lại: “Với tôi Bác Hồ cũng gần gũi giống như một người thân trong gia đình. Trong ký ức của tôi, không hề có chuyện là vào một hôm cha mình nói với tôi rằng tôi có một người cha đỡ đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không! Không hề có chuyện đó. Bác Hồ luôn ở đó, giống như một người Bác hay người Chú  trong gia đình chúng tôi”.

Babette cho biết, do cha thường xuyên đi công tác, nên những câu chuyện về Bác Hồ chủ yếu do bà ngoại và mẹ kể, bà nói: “Từ nhỏ tôi đã có nhận thức được rằng tôi có một người cha đỡ đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam. Bác Hồ ở rất xa, vô cùng bận bịu, vì đang phải chiến đấu gian khổ để giành lại độc lập cho Việt Nam. Lớn lên một chút, tôi đã vẽ tranh và sau đó là viết thư gửi cho Bác Hồ. Tôi cũng thường xuyên nhận được những dòng thư ngắn, những lời nhắn của Người. Mỗi khi cha tôi đi công tác Việt Nam về, ông đều mang theo lời nhắn của Bác “Hãy ôm hôn Babette gjùm tôi”. Babette là tên thân mật của tôi trong gia đình”- Bà giải thích.

Mỗi khi có một người Việt Nam nào đó đến thăm, bà cũng giới thiệu những kỷ vật của Bác Hồ tặng gia đình bà: Bức tranh “Lòng mẹ” của hoạ sỹ Vũ Cao Đàm, quả cầu nhỏ bằng ngà voi, được chạm trỗ tinh xảo, mảnh lụa Vạn Phúc, Hà Đông Bác Hồ gửi tặng khi tôi chuẩn bị kết hôn. Mảnh lụa màu trắng ngà rất đẹp, nhưng tôi đã không dám sử dụng nó, vì sợ thợ may cắt hỏng. Bởi đây là kỷ vật vô cùng thiêng liêng đối với chúng tôi. Nhắc đến thời điểm Bác Hồ “đi xa”, giọng bà chùng xuống, xúc động nói “Chúng tôi có cảm tưởng như mất một người thân yêu trong gia đình. Đây là một thời điểm hết sức khó khăn và nặng nề đối với nhân dân Việt Nam và gia đình chúng tôi. Khi đến viếng Người tại Đại sứ quán Việt Nam ở Pháp, chúng tôi thấy một bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh được phóng to, có dải băng đen phía trước. Cán bộ và nhân viên Sứ quán đứng bất động như những pho tượng. Họ quá đau buồn, trước tổn thất to lớn. không ai có thể hình dung nổi Chủ tịch Hồ Chí Minh “đi xa” mà không kịp nhìn thấy nước nhà thống nhất”.

Bà tâm sự: “Tôi luôn nhớ về Người mỗi ngày và tôi cảm thấy có sợi dây liên lạc gần gũi với nhân dân và đất nước của vị cha đỡ đầu đáng kính của tôi. Tôi đã cùng cha đẻ Raymond Aubrac đến Việt Nam vài lần. Hai vợ chồng tôi là giáo viên và thật trùng hợp khi chồng tôi mỗi năm hai lần đến Việt Nam giảng dạy tại Trung tâm Pháp - Việt, đào tạo về quản lý tại Hà Nội. Chồng tôi rất vui và hạnh phúc khi có nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam đến thăm và coi đây là một ngôi nhà Việt Nam”.

Ngoài người con gái nuôi đầu tiên người Pháp, Bác Hồ còn có hai người con nuôi rất đáng quý. Đó là Knuth Wolfgang Hartmann, sinh sống ở miền Nam nước Đức (trước thuộc CHDC Đức cũ) Knuth được Bác Hồ nhận làm con đỡ đầu, khi có trùng ngày sinh với Người  (19/5). Chính vì sự trùng hợp ngẫu nhiên đó mà ông bà Walter R. Hartmann, cha mẹ của Knuth, đã gửi thư tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, bày tỏ cảm tình, ủng hộ cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam và xin Người nhận Knuth Wolfgang Walter Hartmann làm con đỡ đầu.

Tại chiến khu Việt Bắc, mặc dù bộn bề công việc, để lãnh đạo nhân dân ta kháng chiến chống thực dân Pháp và kiến thiết đất nước, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian viết thư trả lời ông bà Hartmann.

5 tháng sau ngày gửi thư, ông bà Hartmann đã nhận được thư trả lời của Người đề ngày 15/9/1951. Trong thư có đoạn viết: “...Tôi cảm ơn bà và ông đã gửi thư và ảnh cho tôi. Và tôi rất vui lòng nhận cháu làm con đỡ đàu. Tôi gửi biếu cháu một bức ảnh nhỏ và một đồng Việt Nam để làm kỷ niệm... ”.

Ngày 19/5/1954, Bác lại gửi tặng gia đình ông bà Hartmann bức ảnh Người chụp chung với một bé gái.  Phía sau bức ảnh Bác viết: “Thân ái gửi con đỡ đầu yêu quý Knuth Wolfgang Walter Hartmann- Việt Nam 19-5-1954 Hồ Chí Minh”.

Nhận được thư của Bác, gia đình ông Hartmann vô cùng xúc động, bởi tình cảm và sự quan tâm mà Người đã dành cho gia đình ông. Già đình ông Hartmann rất trân trọng tình cảm của Bác Hồ dành cho họ.

Còn đối với đứa con đỡ đầu của Bác Hồ, khi còn là cậu học trò đang ngồi trên ghế nhà trường, cũng như lúc tham gia quân đội, hay là cán bộ kỹ thuật của xí nghiệp lai bò giống , Knuth luôn luôn mang bên mình tấm ảnh của Người tặng.

Ở nước Nga, quê hương của V.I Lénine vĩ đại, Bác Hồ cũng có một bé gái Irsơca Dmitrievna Denia, sinh vào mùa Xuân năm 1957, là con của X. Colosov, một nhà báo (từng là phóng viên của Thông tấn xã  APN) và vợ là bác sỹ Anna Stasia Vasievna. ở thành phố Giucovski, ngoại ô Matxcova. Mặc dù chưa một lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh , nhưng với tấm lòng kính yêu Bác Hồ, nên khi sinh con gái đầu lòng, ông bà đã viết thư gửi Bác Hồ, đề nghị Người làm cha đỡ đầu cho con gái nhỏ của họ. Bức thư có đoạn viết: “Chúng cháu được biết, tình yêu của Người đối với trẻ em và trẻ em đối với Người vô cùng sâu sắc. Theo phong tục Nga cổ truyền, một phong tục rất tốt đẹp ở nước Nga, chúng cháu chân thành đề nghị Người làm cha đỡ đầu của đứa con nhỏ của chúing cháu – con gái tên Irsơca” .

Không lâu sau ngày gửi thư, gia đình nhà báo Colosov đã nhận được thư trả lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong thư có đoạn Bác viết: “Cô Anna Vasievna  và chú  Dmitri Grigorevich thân mến!

Tôi đã nhận được thư của cô chú và chân thành cảm ơn cô chú đã mời tôi làm cha đỡ đầu cho con gái của cô chú. Tôi mong rằng sự nhận lời của tôi sẽ thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết anh em giữa hai dân tộc Việt Nam và Liên Xô”.

eha-2-1682406648.jpg

Cùng với lá thư, còn kèm theo bức ảnh chân dung của Người, trên đó viết bằng chữ Nga “Hôn con Irsơca, chúc con mạnh khoẻ và hạnh phúc – cha nuôi Hồ”.

Đến tháng 5 năm 1960, gia đình  X. Colosov , nhận được bức thư thứ hai của Bác, trong thư có đoạn Người viết:

Tôi đã nhận được thư của cô chú ! Tôi gửi lời chào thắm thiết nhất tới bé Irsơca, chúc bé khoẻ, hạnh phúc – Hôn bé – Hồ Chí Minh”.

Tháng 11 năm 1960, Irsơca và bố mẹ được gặp Bác Hồ tại một ngôi nhà trên phố Alexey Tolstoi, nhân dịp Người và Đoàn Đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam sang Matxcova dự lễ kỷ niệm lần thứ 43 Cách mạng tháng Mười vĩ đại.

Cuộc gặp diễn ra rất tình cảm và thân mật. Bác mời gia đình Irsơca cùng ăn cơm trưa với Người.

Trong lúc nhân dân ta đang tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Bác Hồ vẫn dành thời gian viết thư trả lời  cho con gái đỡ đầu yêu quý của mình.

eha-3-1682406648.jpg

Sau này lớn lên, Irsơca phục vụ trong ngành công an, rôi cùng chồng là Igore Tribisov, cán bộ ngành hàng không dân dụng khai thác dầu khí Chiumen (Phía Tây Siberi). Hai vợ chồng có một cháu gái Varonica.

Việc Bác Hồ nhận những cháu bé người Pháp, người Đức, người Liên Xô làm con đỡ đầu, thể hiện rõ tấm lòng nhân ái và sự quan tâm của Bác dành cho thế hệ thiếu nhi quốc tế. Qua đó làm tăng thêm tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân Pháp, nhân Đức, nhân dân Liên Xô anh em.

Chủ tịch Hồ Chí Minh “đi xa” đã 54 năm (1969 – 2023), song tình cảm, lòng yêu thương con trẻ của Người vẫn được truyền lại qua những câu chuyện kể cả ở trong nước lẫn ngoài nước. Trái tim nhân hậu, tình thương yêu vô bờ bến của Người đối với thanh thiếu niên và nhi đồng, đặc biệt là niềm hạnh phúc của mỗi người khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận làm con nuôi, con đỡ đầu vẫn luôn làm ta xúc động.

Người đem đến cho họ, những người con đỡ đầu tình cảm nồng hậu của người cha tinh thần, Hồ Chí Minh – vị nguyên thủ quốc gia của nước Việt Nam ./.